Truy xuất nguồn gốc: Doanh nghiệp kiên quyết “nói không” với nông sản không rõ nguồn gốc

Thực tế, truy xuất nguồn gốc (TXNG) đang trở thành tiêu chuẩn chung cho nông sản tại các thị trường phát triển như Mỹ, Úc, Nhật Bản, châu Âu… Việc TXNG đảm bảo tính minh bạch hóa của toàn bộ chuỗi cung ứng cho nông sản, giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường dễ dàng truy cập và theo dõi thông tin nông sản từ nơi nuôi trồng, khai thác cho tới khi vận chuyển, chế biến và tung ra thị trường.

Truy xuất nguồn gốc cho cả hàng tiêu thụ trong nước

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, vai trò của TXNG có thể nói đơn giản là “muốn xuất khẩu được thì phải TXNG được”.

Trong bối cảnh nhiều hiệp định tự do thương mại được ký kết, TXNG là điều kiện quan trọng để nông sản Việt Nam tận dụng được lợi thế.

Mặt khác, không chỉ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện nay Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có kế hoạch áp dụng TXNG nông sản đối với cả thị trường tiêu thụ nội địa. Điều này đem lại lợi ích vẹn toàn cho tất cả các bên trong chuỗi cung ứng nông sản.

“Người tiêu dùng phải biết được nông sản làm ra như thế nào, chăm sóc thế nào, vận chuyển thế nào. Người nông dân được làm chủ trên chính sản phẩm của họ, còn cộng đồng doanh nghiệp cũng dễ dàng thương mại hóa nông sản”, ông Toản lý giải.

Triển khai áp dụng hệ thống TXNG cho nông sản cần đi theo 2 hướng, bao gồm đảm bảo chất lượng của nông sản qua từng khâu trong chuỗi cung ứng và tiến hành theo dõi, chuẩn hóa quá trình, số hóa dữ liệu để tổng hợp thông tin cho nông sản.

Đối với mỗi dạng hình sản phẩm, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng hay khai thác đều phải có những cách thức tiếp cận riêng, áp dụng công nghệ và quy trình riêng.

Các công đoạn để tiến hành đều rất khó có thể triển khai do những rào cản trong công nghệ, kinh nghiệm quản lý cũng như ngay từ chính ý thức của người nông dân và bà con thương lái.

Tuy nhiên, theo ông Toản, để thiết lập hệ thống TXNG cho nông sản, cần nhất là xuất phát từ sự “tự thân” của chính bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp phải kiên quyết “nói không” với những loại nông sản không rõ nguồn gốc, chủ động thuyết phục, tập huấn cho người nông dân. Người nông dân cũng cần cởi mở trong suy nghĩ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác truyền thống để tạo ra lợi ích lâu dài. Thực tế, trong bối cảnh dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt quãng, chính những tư duy mới, cách làm mới đã giúp nông sản lưu thông một cách thông suốt, giúp bà con nông dân tránh được thiệt hại.

“Việc phải làm rất nhiều, đặt ra trách nhiệm cho cả doanh nghiệp và người nông dân để làm sao cho hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng minh bạch, tính giải trình ngày càng cao”, ông Toản nhấn mạnh.

Xây dựng nền tảng tin cậy cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Bộ Khoa học và Công nghệ  hiện đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực TXNG. Dự kiến quý IV/2021, Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.

Các tiêu chuẩn quốc gia là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động TXNG, trong đó, thông tin về sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, thay vì chỉ có thông tin của khâu nuôi trồng, sản xuất như hiện nay. Cổng TXNG sẽ lưu trữ các thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp và quản lý, giám sát việc thực hiện TXNG của Nhà nước.

Một sản phẩm được xem là truy xuất được nguồn gốc phải thông qua một loại nhãn điện tử sử dụng mã vạch hoặc mã QR theo tiêu chuẩn của tổ chức mã số, mã vạch toàn cầu GS1, khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng quét mã QR phải hiện lên đầy đủ các thông tin về chuỗi sản phẩm, từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển. Các thông tin này được thu thập tự động hoặc bán tự động và được khai thác, sử dụng chung.

Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) - đơn vị được ủy quyền chủ trì thực hiện triển khai Quyết định số 100/QÐ-TTg - đang phối hợp xây dựng dự thảo Thông tư về nhãn điện tử để đưa ra một quy định thống nhất về các loại tem, nhãn sử dụng mã vạch, mã QR để đáp ứng được yêu cầu nêu trên.

Theo Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia, việc TXNG một cách toàn diện các khâu như vậy đem lại lợi ích cho chính doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp có công cụ để quản lý, công khai chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường. Người tiêu dùng biết được chất lượng sản phẩm thông qua thông tin về toàn bộ quá trình hình thành, đường đi của một sản phẩm trước khi lên kệ bán hàng.

Các cơ quan quản lý sẽ xác định được chính xác, kịp thời nguyên nhân sự cố về chất lượng sản phẩm cũng như vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan. Khi các thông tin về TXNG sản phẩm, hàng hóa được các doanh nghiệp đưa lên Cổng TXNG sẽ tạo nên kho dữ liệu để phục vụ cho chính nhu cầu minh bạch thông tin sản phẩm xuất khẩu và thương mại điện tử của doanh nghiệp.

Hà Thuỷ (t/h)

Tin tức khác

Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm Blockchain

Ngày càng nhiều doanh nghiệp sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm Blockchain

Tổ chức Y tế Thế giới tin rằng việc tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm là nền tảng cho sức khỏe và thương mại quốc tế. Dân số tăng, đô thị hóa, thu nhập khả dụng tăng... đòi hỏi ngành thực phẩm không chỉ nâng cao về số lượng mà còn chất lượng của thực phẩm...
Chi tiết
Thuế nhập khẩu nông sản vào việt nam năm 2024

Thuế nhập khẩu nông sản vào việt nam năm 2024

Hàng hóa nông sản là khái niệm dùng để chỉ những sản phẩm hoặc bán thành phẩm của ngành sản xuất hàng hóa thông qua cây trồng. Hay nói đơn giản hơn đó chính là những sản phẩm được những người nông dân sản xuất, chế biến nông sản ra với mục đích thu hoạch và bán ra thị trường.
Chi tiết